Kết quả Chiếm đóng Tulagi (tháng 5 năm 1942)

Thân tàu bị rỉ sét của khu trục hạm Kikuzuki, được chụp ảnh tại Tulagi vào tháng 8 năm 1943 sau khi được lực lượng Mỹ kéo vào bãi biển

Ngày 5 tháng 5, chiếc Kikuzuki trôi ra khỏi bờ biển Gavutu và bị chìm ở cảng Tulagi, tọa độ (09°07′S 160°12′E / 9.117°S 160.2°E). Chiếc Tama Maru được tìm thấy hai ngày sau đó. Những chiếc tàu Nhật hư hỏng còn lại đã đến được RabaulKavieng để sửa chữa. Hagoromo Maru và Noshiro Maru #2 thì gia nhập lực lượng đổ bộ cảng Moresby. Ngày 10 tháng 5, chiếc Okinoshima tham gia vào nỗ lực đầu tiên của quân Nhật nhằm chiếm đảo Ocean (Banaba) và quần đảo Nauru, mang tên Chiến dịch RY đã bị tàu ngầm Mỹ USS S-42 đánh chìm ngoài khơi New Ireland (05°06′S 153°48′E / 5.1°S 153.8°E).[34][h] Tổng cộng 87 thủy thủ hải quân đã chết trong cuộc không kích ngày 4 tháng 5, ngoài ra còn có 36 lính đổ bộ bị thương nặng.[7][28][32] Phi hành đoàn của chiếc TBD đã đến Guadalcanal sau khi trôi dạt trên biển suốt ba ngày. Một linh mục Cơ Đốc giáo đã đưa họ đến gặp Martin Clemens để sau đó có thuyền đến San Cristobal. Từ San Cristobal, một chiếc thuyền khác đưa họ đến New Hebrides và từ đây họ đã trở lại với hạm đội Mỹ.[35][36]

Sau khi không kích Tulagi, Yorktown đã gặp lại Lexington và hai hàng không mẫu hạm này đã tham gia vào trận hải chiến biển Coral với các chiến hạm còn lại của hải quân Nhật tham gia vào chiến dịch Mo từ ngày 6 đến 8 tháng 5. Trong trận này, Lexington đã bị đánh chìm còn Yorktown cũng bị hư hại. Về phía Nhật, hàng không mẫu hạm hạng nhẹ Shōhō bị đánh chìm, hai hàng không mẫu hạm còn lại là Shokaku và Zuikaku bị thương nặng và tổn thất nhiều máy bay cũng như phi hành đoàn. Lo sợ sẽ bị các máy bay Đồng Minh từ các căn cứ đất liền cũng như các chiến hạm tấn công vì đã mất sự yểm trợ về không lực, quân Nhật rút lui và hủy bỏ cuộc đổ bộ với ý định sẽ tiến hành đổ bộ lần sau. Một cuộc đổ bộ đường biển của quân Nhật để chiếm cảng Moresby sau đó đã không bao giờ xảy ra, do ảnh hưởng bởi thất bại nặng nề của hải quân Nhật trong Trận Midway. Tuy nhiên, quân Nhật đã cố gắng chiếm cảng Moresby bằng một cuộc tấn công trên bộ dọc theo con đường Kokoda nhưng nỗ lực này cũng bất thành. Thất bại trong việc đánh chiếm cảng Moresby vào tháng 5 năm 1942 có ý nghĩa quan trọng về sâu rộng chiến lược, trong đó có căn cứ hải quân nhỏ của người Nhật ở Tulagi.[37]

Sân bay tại Lunga Point, Guadalcanal đang được người Nhật xây dựng vào tháng 7 năm 1942

Bất chấp những thiệt hại về tàu và người do đợt không kích, quân Nhật trên đảo đã cho tiến hành xây dựng một căn cứ thủy phi cơ tại Tulagi và Gavutu, nhận thêm nhiều lính và công nhân trong suốt nhiều tháng sau đó. Căn cứ đã sớm đi vào hoạt động với các máy bay của Liên đoàn bay Yokohama đã tiến hành những cuộc trinh sát đường không các khu vực xung quanh bắt đầu từ ngày 6 tháng 5. Ngày 27 tháng 5, người Nhật phát hiện ra khu vực Lunga Point thuộc Guadalcanal như một địa điểm thuận lợi để xây dựng một sân bay lớn. Ngày 13 tháng 6, Bộ tổng tham mưu Hải quân tán thành việc xây dựng sân bay tại địa điểm này và vào ngày 19 tháng 6, đô đốc Inoue đã đến thị sát địa điểm để dự đoán tiến độ xây dựng sân bay. Ngày tiếp theo, quân Nhật bắt đầu khai hoang các bụi cây và đến ngày 6 tháng 7, một đoàn tàu 12 chiếc đã đưa 2.000 công nhân Nhật Bản và Triều Tiên cùng với 500 lính hải quân đến để xây sân bay trong thời gian sớm nhất. Các trạm quan sát bờ biển tại Guadalcanal và máy bay trinh sát Đồng Minh đã nhanh chóng phát hiện người Nhật đang xây dựng sân bay và quân Đồng Minh ngay lập tức có phản ứng. Các máy bay trinh sát Catalina và máy bay ném bom B-17 xuất phát từ cảng Moresby, Efate, NoumeaEspiritu Santo đã thường xuyên đến ném bom các căn cứ Nhật tại Guadalcanal, Tulagi và Gavutu trong nhiều tháng, tuy nhiên không gây được nhiều tổn thất. Một số thủy phi cơ Nhật và một máy bay ném bom Đồng Minh đã bị tiêu diệt sau những đợt oanh tạc này.[38][i]

Quân Đồng Minh đã tỏ ra vô cùng lo lắng về sân bay mà người Nhật dự kiến hoàn thành tại Guadalcanal vì khi xây xong, sân bay này sẽ là mối đe dọa khủng khiếp đến các chiến dịch của Đồng Minh giữa Úc, New Zealand và Hoa Kỳ. Hai chiến thắng chiến lược tại biển San Hô và Midway đưa cho Đồng Minh một cơ hội để phản công quân Nhật ở Thái Bình Dương. Kế hoạch của Đồng Minh nhằm chiếm đóng Nam Solomon là sáng kiến của Đô đốc Ernest King, Tổng tư lệnh Hạm đội Hoa Kỳ. Ông đề nghị cuộc tấn công này nhằm ngăn chặn việc quân Nhật sử dụng các hòn đảo làm căn cứ đe dọa con đường tiếp tế giữa Hoa Kỳ và Úc, và sử dụng chúng như những điểm xuất phát các cuộc tấn công trong tương lai. Mục tiêu của ông là vô hiệu hóa hoặc chiếm được căn cứ Nhật tại Rabaul trong khi yểm trợ cho quân Đồng Minh trong chiến dịch New Guinea, với mục tiêu lớn hơn là dọn đường cho người Mỹ chiếm lại Philippines.[39] Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân cho thành lập Mặt trận Nam Thái Bình Dương do Phó Đô đốc Robert L. Ghormley chỉ huy kể từ ngày 19 tháng 6 năm 1942, để chỉ đạo cuộc tấn công tại khu vực Solomon. Đô đốc Chester Nimitz, đặt bộ chỉ huy tại Trân Châu Cảng, được chỉ định làm Tổng tư lệnh lực lượng Đồng Minh tại Thái Bình Dương.[40]

Thất bại của người Nhật trong việc đánh chiếm cảng Moresby và tại Midway đã khiến cho căn cứ Tulagi bị cô lập do không nhận được sự trợ giúp cần thiết từ các căn cứ Nhật khác. Từ Rabaul, căn cứ gần nhất đến Tulagi đã mất đến bốn giờ bay.[41] Ngày 7 tháng 8 năm 1942, 11.000 thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đổ bộ lên Guadalcanal và 3.000 thủy quân lục chiến khác đổ bộ lên Tulagi và các đảo lân cận.[42] Quân Nhật tại Tulagi và các đảo lân cận bị áp đảo về quân số và bị giết gần hết trong Trận Tulagi và Gavutu-Tanambogo trong khi sân bay tại Lunga Point cũng bị thủy quân lục chiến Mỹ chiếm được mà không gặp nhiều sự kháng cự.[43] Cuộc đổ bộ này đã chính thức mở đầu cho Chiến dịch Guadalcanal kéo dài 6 tháng sau đó.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiếm đóng Tulagi (tháng 5 năm 1942) http://ajrp.awm.gov.au/ajrp/ajrp2.nsf/088031725e45... http://www.awm.gov.au/encyclopedia/coral_sea/doc.h... http://www.awm.gov.au/histories/chapter.asp?volume... http://www.awm.gov.au/histories/chapter.asp?volume... http://www.awm.gov.au/histories/second_world_war/v... http://www.combinedfleet.com/Kamikawa%20Maru_t.htm http://www.combinedfleet.com/Kiyokawa%20Maru_t.htm http://www.combinedfleet.com/Okinoshima_t.htm http://www.combinedfleet.com/kikuzu_t.htm http://www.combinedfleet.com/yuzuki_t.htm